- Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Tiêu chuẩn TCVN 4447:87 - Công tác đất - Quy phạm thi công, nghiệm thu.
- Tiêu chuẩn TCVN 4453:1995 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối. Quy phạm thi công và nghiệm thu
- Hồ sơ thiết kế thi công hạng mục san lấp mặt bằng nhà máy.
- Các tiêu chuẩn hiện hành về giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng khác.
Quy trình giám sát thi công san lấp mặt bằng xây dựng
Quy trình giám sát thi công san lấp mặt bằng xây dựng:
Tất cả công tác giám sát thi công nghiệm thu san lấp mặt bằng đều phải thực hiện đúng Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 4447:1987.
I. Dọn mặt bằng:
Trước khi thi công san nền. Nhà thầu phải giải phóng toàn bộ các công trình hiện có, các cây cối hoặc các chướng ngại khác trong khu vực thi công và tiêu huỷ chúng bằng cách đốt hoặc phương pháp tương ứng được Chủ đầu tư đồng ý tại một vị trí do Chủ đầu tư chỉ định.
II. Loại bỏ lớp đất hữu cơ
Trước khi san nền phải tiến hành đào bỏ rễ cây, cỏ rác, đất phủ bên trên, chiều sâu đào lớp đất phủ bên trên đối với nền đắp là 0,1m và đối với nền đào là 0,3m. Lượng đất hữu cơ này sẽ vận chuyển và đổ theo hồ sơ đấu thầu được Chủ đầu tư và địa phương đồng ý. Đồng thời phải tiến hành các biện pháp tiêu thoát nước mặt trên toàn bộ mặt bằng thi công.
III. Công tác Đào đất
+ Khái quát chung:
Trước khi tiến hành công tác đào đất, nhà thầu phải thông báo với Chủ đầu tư, mặt bằng hiện có phải được đo đạc và chấp thuận của Chủ đầu tư.
Tất cả các công tác đào sẽ được thực hiện phù hợp với cao độ ghi trong bản vẽ thiết kế hoặc theo yêu cầu của Chủ đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tế.
+ Phân cấp vật liệu đào
- Đá: Đá được xem như một vật liệu khối đặc có cường độ và cấu trúc không thể bị dỡ bỏ, phá huỷ, nghiền khi không sử dụng chất nổ và búa phá dỡ.
- Đất thông thường: Đất đá thông thường là các loại đất còn lại trừ đá được ghi rõ trong đoạn trên, bao gồm đất, cát, sỏi, cuội kết, đá dăm và các loại khác.
+ Trình tự thi công:
- Định vị chính xác vị trí thi công. Xác định kích thước chiều cao nền đất cần đào, vị trí chân taluy, đóng cọc biên...
- Kiểm tra chặt chẽ cao độ, khoảng cách các điểm của mái dốc taluy trong quá trình thi công để đảm bảo cho việc thi công được chính xác và đúng thiết kế.
- Phải chú trọng bố trí độ dốc và rãnh thoát nước, có phương án thoát nước mặt khi gặp trời mưa.
+ Độ dốc mái và hiện trường thi công
Ranh giới và cao độ được ghi rõ trong các bản vẽ là sự liên hệ duy nhất tới các yêu cầu cho các công việc lâu dài. Mái dốc phải đảm bảo sự ổn định, chống trượt của hố đào.
+ Đào vượt quá quy định
Tất cả các khối đào vượt quá quy định, vì bất kỳ lý do nào đều phải đắp trả lại cùng với việc xác định vật liệu đắp trả lại.
+ Các giá đỡ tạm thời
- Nhà thầu có thể thực hiện theo biện pháp thi công với chi phí của mình để quyết định sử dụng các trụ giá đỡ tạm thời như gỗ, cột thép để chống mái đào thay cho mái dốc tự nhiên. Trong trường hợp này, Nhà thầu phải đệ trình các tính toán chi tiết và các bản vẽ cho Chủ đầu tư phê duyệt trước khi thi công, việc phê duyệt đó không làm giảm trách nhiệm của Nhà thầu trong việc thực hiện công tác chống đỡ tạm.
- Những nơi sử dụng mái dốc tự nhiên để đào, có thể sẽ gây nguy hiểm cho các kết cấu hiện có hoặc gây trở ngại cho các hoạt động của Nhà thầu khác trong cùng khu vực thi công thì Nhà thầu phải sử dụng các trụ đỡ tạm thời để bảo vệ mái dốc của mình như đã nói ở trên. Nếu Chủ đầu tư cho rằng việc dỡ bỏ những trụ đỡ là không thực tế thì Chủ đầu tư có thể yêu cầu chúng được giữ lại lâu dài ở vị trí đó.
+Dự trữ vật liệu để sử dụng lại
Theo quan điểm của Chủ đầu tư, vật liệu đào thích hợp cho việc sử dụng đắp lại ở một vị trí nào đó, Nhà thầu sẽ phải tách riêng vận chuyển và dự trữ ở một vị trí thích hợp được Chủ đầu tư chấp thuận.
+ Loại bỏ vật liệu đào
- Loại trừ các trường hợp được ghi rõ, tất cả vật liệu đào sẽ được vận chuyển tới khu vực bãi thải trong các khu vực được Chủ đầu tư chỉ định. Không được đổ bất kỳ vật liệu thải nào ngoài phạm vi đã được quy định.
- Các vật liệu thải sẽ đổ và đầm chặt với hệ số mái dốc không nhỏ hơn 1: 2, để đảm bảo ổn định và tránh chảy ra xung quanh.
IV. Công tác Đắp đất
Các công việc trong phần này bao gồm việc thực hiện tất cả các công việc về đắp mặt bằng và đắp chân taluy.
Không được đắp đất ở bất kỳ một vị trí nào khi chưa có sự kiểm tra và chấp thuận của Chủ đầu tư.
Ở các vị trí nếu thấy đất đắp bị xốp nhẹ, xói lở hoặc bất kỳ một hư hỏng nào khác đều phải dỡ bỏ và đắp lại khi Chủ đầu tư yêu cầu.
Đất đắp ở vùng đắp được lấy đất ở vùng đào để đắp. Đất ở vùng đào được đắp cho vùng đắp ngay bên cạnh, không phải vận chuyển đi xa. Đất đắp không được lẫn rễ cây, cỏ rác, không được quá 5% lượng tạp chất.
Đối với khu vực đắp đất, nếu độ dốc của sườn dốc nhỏ hơn 20% thì sau khi đào lớp phủ tiến hành đắp nền bình thường, nếu độ dốc của sườn dốc lớn hơn 20% thì sau khi cào bỏ lớp phủ phải làm giật cấp từ 1,5 - 2m rồi mới tiến hành san nền để tạo sự liên kết tốt giữa các lớp đất tránh lún, trượt cho công trình.
Đất đắp được đắp thành từng lớp đầm chặt với hệ số đầm nén K=0,90 (bao gồm cả mặt bằng và taluy), chiều dày từng lớp được thí nghiệm tại hiện trường tùy thuộc vào máy móc thi công nhưng chiều dày mỗi lớp không quá 50cm.
Trước khi đắp đất phải tiến hành đầm thí điểm tại hiện trường với từng loại đất và từng loại máy đem sử dụng nhằm mục đích:
- Hiệu chỉnh bề dày lớp đất rải để đầm.
- Xác định công đầm lu theo điều kiện thực tế để đạt độ chặt K theo yêu cầu thiết kế..
Chú ý: Lấy một mẫu đất đại diện của loại đất dự kiến để đắp, mang về Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng để thí nghiệm một số chỉ tiêu cơ lý (ókmax - WO; PP – PL; Thành phần hạt; Độ trương nở, CBR hoặc modul đàn hồi trong phòng thí nghiệm…) để đối chiếu với yêu cầu kỹ thuật, nếu đạt yêu cầu mới tiến hành đắp.
Cần phải đắp đất bằng loại đất đồng nhất, phải đặc biệt chú ý theo đúng nguyên tắc sau đây:
- Bề dầy lớp đất ít thấm nước nằm dưới lớp đất thấm nước nhiều phải có độ dốc 0,04 đến 0,1 kể từ công trình đến mép biên.
- Cấm đắp mái đất bằng loại hỗn hợp gồm cát, cát thịt, vỏ sạn khi có vỏ vật liệu với cấu trúc hỗn hợp tự nhiên.
Trước khi đắp đất hoặc rải lớp đất tiếp theo để đầm, bề mặt lớp trước phải được đánh xờm. Khi sử dụng đầm chân cừu để đầm đất thì không cần phải đánh xờm.
- Biện pháp thi công đắp đất:
- Khi rải đất để đầm, cần tiến hành rải từ mép biên tiến dần vào giữa.
- Chỉ được rải lớp tiếp theo khi lớp dưới đã đạt độ chặt yêu cầu.
- Để đảm bảo khối lượng thể tích khô thiết kế đắp đất ở mái dốc và mép biên khi rải đất để đầm, phải rải rộng hơn đường biên thiết kế từ 20 đến 30cm tính theo chiều thẳng đứng đối với mái dốc. Phần đất tơi không đạt khối lượng thể tích khô thiết kế phải loại bỏ và tận dụng vào phần đắp.
Tất cả các công việc thực hiện đều phải được sự giám sát và đồng ý cho phép của TVGS và Chủ đầu tư.
V. Công tác đầm:
Việc đầm lớp vật liệu đã san gạt sẽ không đựơc thực hiện cho tới khi độ ẩm và chiều dày của lớp đất được kiểm tra, được Chủ đầu tư chấp thuận.
Sau mỗi lớp đắp được đổ, san gạt và điều chỉnh độ ẩm nếu cần ta tiến hành ngay công tác đầm bằng các lượt đầm được ghi rõ dưới đây.
- Các định nghĩa:
Lượt kín: Lượt kín được định nghĩa như một quá trình đạt được khi tất cả các phần của bề mặt lớp được tiếp xúc tối thiểu một lần với bề mặt của thiết bị đầm.
Lượt đơn: Lượt đơn được định nghĩa là một chuyển động liên tục của máy đầm chỉ theo một hướng.
Với đầm rung, một lượt đầm kín sẽ bao gồm một lượt đơn của mỗi đầm; nghĩa là một lượt đầm đơn của lu hai bánh theo một hướng bánh trước, bánh sau tạo thành hai lượt. Khi đầm bằng đầm bánh hơi thì một lượt kín được tính là 2 hoặc hơn 2 lượt đơn của thiết bị đầm tới khi toàn bộ toàn bộ bề mặt được đầm. Trong lượt đầm thứ hai hoặc ba thì bánh máy đầm phải đi trên khu vực giữa vết bánh thứ nhất nơi chưa được đầm ở lần trước.
- Thiết bị đầm :
Thiết bị đầm được thiết kế và thi công phù hợp với tính năng của máy và nó được điều hành bởi người có kinh nghiệm trong nghề.
Khi các máy đầm làm việc trong một tổ hợp hoặc một bộ đôi, tổ hợp vận hành cái trước, cái sau trên cùng một vệt thì tất cả các máy đầm theo kiểu này phải cùng kích cỡ, cùng bề rộng, về cơ bản cùng trọng lượng, cùng kiểu vận hành.
- Quy trình đầm:
Nhà thầu phải bố trí lu lèn thí điểm trên một đoạn có chiều dài từ 50 đến100m trước sự chứng kiến của Chủ đầu tư để kiểm tra sơ đồ lu, công lu và tính năng hoạt động tốt của thiết bị để Chủ đầu tư chấp thuận. Trình tự thi công như sau:
- Sau khi trải vật liệu và khống chế độ ẩm trong giới hạn ta mới tiến hành đầm.
- Công tác đầm trên mỗi lớp vật liệu được tiến hành theo quy trình, có thứ tự, liên tục đảm bảo chiều dầy lớp và số lượt đầm. Hướng lăn đầm nói chung là song song với hướng đổ vật liệu.
- Trước khi rải một lớp mới trên một lớp đã đầm, lớp đầm đó phải được đánh xờm bề mặt bàng các phương pháp đã nêu để đảm bảo sự liên kết tốt giữa các lớp.
- Nhà thầu phải sử dụng những thiết bị đặc biệt để đầm vật liệu ở những vị trí mà không thể dùng các thiết bị và quy trình thông thường.
- Tiến hành lu lèn đồng đều trên bề mặt, chú ý cho lu đi sát mép ra phần đắp dư để đảm bảo độ chặt toàn bộ mặt bằng; khi lu lèn cho lu đi từ thấp lên cao để tránh vật liệu bị đầy trôi.
- Trong quá trình lu tiến hành lu từ ngoài vào trong, lu từ thấp lên cao. Các vệt bánh lu phải chồng lên nhau từ 25 đến 50cm theo chiều dọc vệt lu. Tiến hành lu lèn đồng đều trên bề mặt chiều rộng.
-Độ ẩm của đất khi đầm lu chỉ được sai khác ±2% so với độ ẩm tốt nhất của loại đất đó tìm được trong phòng thí nghiệm.
- Kiểm soát vật liệu đắp:
Đất dùng để đắp được lấy ngay tại chỗ đào trên mặt bằng sau khi đã bóc bỏ lớp đất hữu cơ 0,3m. Nhà thầu phải lấy mẫu để tiến hành thí nghiệm như đã trình bày ở trên. Số lượng mẫu thí nghiệm phải đủ để phục vụ việc kiểm soát vật liệu, cho phép vật liệu đắp trực tiếp hoặc phải xử lý trước khi đắp.
Kết quả của các thí nghiệm này phải đệ trình lên Chủ đầu tư. Không phần đắp nào được phê duyệt nếu như không có ít nhất là 3 kết quả thí nghiệm đạt yêu cầu.
Số lần thí nghiệm sẽ được tăng lên hai lần khi đắp 5% thể tích khối đắp đầu tiên và khi đặc tính của vật liệu đắp thay đổi.
Các thí nghiệm cần thiết để xác định dung trọng khô tối ưu là trách nhiệm của Nhà thầu và được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Nhà thầu phải lấy các mẫu dọc theo trục ở khoảng cách không lớn hơn 500 m và tại các vị trí nào hiển thị đặc tính của đất.
- Điều chỉnh hàm lượng độ ẩm khi đầm:
Nhà thầu phải lấy một lượng mẫu vừa đủ (không nhỏ hơn 5) ở khu vực san gạt vật liệu trước khi đầm để kiểm tra hàm lượng nước. Những mẫu này được lấy ở các vị trí khác nhau, từ hàm lượng nước được xác định ta đi xác định dung trọng phù hợp cho khối đắp.
Khi các thí nghiệm tiến hành trong phòng thí nghiệm, các mẫu xác định hàm lượng nước được đặt trong vật chứa chống ẩm như chai, lọ thuỷ tinh được bịt kín.
Kết quả thí nghiệm thu được sẽ trình lên Chủ đầu tư cùng với việc trình duyệt phần đắp đã hoàn thành công việc đầm nén.
Khống chế độ ẩm đất đầm: Tưới nước bằng vòi hoa sen hoặc vòi phun xe tưới nhưng phải hướng vòi lên trên để tạo mưa nếu độ ẩm tự nhiên thấp, nếu lớn hơn độ ẩm tốt nhất thì cần phải san rải để phơi đất đến khi nào đạt độ ẩm tốt nhất mới tiến hành đầm. Việc xử lý tưới ẩm phải thực hiện bên ngoài khu vực đắp.
- Kiểm tra công tác đầm :
Nhà thầu lấy mẫu và thực hiện thí nghiệm theo chỉ định của tư vấn giám sát, các phần đắp đầm với chu kỳ được lập ra dưới đây và những nơi do Chủ đầu tư chỉ định để kiểm tra mối liên hệ giữa công tác đầm và hàm lượng nước hoặc dung trọng đạt được. Kết quả thí nghiệm phải được đệ trình lên Chủ đầu tư trước khi thi công. Việc kiểm tra các mẫu và trình mẫu được duyệt không giải phóng nhà thầu khỏi trách nhiệm của mình về chất lượng kỹ thuật của công trình.
Không có một phần đắp nào được Chủ đầu tư phê duyệt mà không có tối thiểu 3 kết quả thí nghiệm đạt yêu cầu.
- Bảo quản và làm sạch công trường:
Bảo quản công trường: Nhà thầu phải tiến hành bảo quản khối đắp đang và sau khi thi công theo yêu cầu của Chủ đầu tư cho tới khi hoàn thành và nghiệm thu công việc.
Vệ sinh công trường: Trong quá trình đổ vật liệu. Nhà thầu luôn phải giữ bề mặt, mái của khối đắp không cho chất đống các loại phế thải vật liệu. Khi hoàn thành công việc Nhà thầu phải loại bỏ toàn bộ thiết bị thi công, vật liệu dư thừa, phế liệu ra khỏi phạm vi khối đắp, đảm bảo khối đắp sạch sẽ gọn gàng thoả mãn yêu cầu của Chủ đầu tư.
Trong trường hợp đầm xung quanh các cấu kiện, đường ống và các thiết bị khác thì Chủ đầu tư có thể chỉ định sử dụng các thiết bị và phương pháp đặc biệt.
VI. Thi công rãnh thoát nước.
Rãnh thoát nước thi công được bố trí dọc theo mép khu vực san nền và cách mép san nền 3,0m. Dọc theo phần gia cố mái taluy, cứ cách 100m bố trí một khe thoát nước. ở những chỗ có mái taluy đào cũng bố trí rãnh, còn khe thoát nước thì bố trí tại ranh giới đào đắp. Toàn bộ hệ thống rãnh trên chỉ để phục vụ công tác san nền, nước được thoát qua các khe cách nhau 100m, trong quá trình xây dựng nhà máy sau này có thể tận dụng để làm rãnh thoát nước chính cho nhà máy hoặc phải lấp trả đất tạo lại hình dáng cho nền và mái taluy. Tất cả các quy trình thi công đào đắp rãnh thoát đều phải tuân thủ đúng theo các yêu cầu đào đắp như đã trình bày ở trên và tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn 4447:87 - Công tác đất – Quy phạm thi công, nghiệm thu và các yêu cầu kỹ thuật thi công hiện hành.
VII. Gia cố mái taluy, xây kè taluy.
Mái taluy vùng đắp được gia cố bằng trồng cỏ. Riêng mái taluy phía Nam do gần hồ đập nên được thiết kế giật cấp và gia cố bằng đá hộc xây vữa xi măng ở những chỗ đắp cao và sát mép nước để đáp ứng yêu cầu an toàn và ổn định.
Công tác xây phải đảm bảo theo tiêu chuẩn TCVN 4085-1985 (Kết cấu gạch đá - quy phạm thi công và nghiệm thu) và tiêu chuẩn TCVN 4459-1987 (Hướng dẫn pha trộn và sử dụng vữa xây dựng).
Độ dốc mái taluy đắp là m =1:1,5 và m =1:1,75, độ dốc taluy đào là m=1:1. Tại những vị trí taluy cao trên 6m thì phải làm giật cấp để tạo ổn định cho mái dốc. Cứ chênh cao 6m làm giật cấp một lần.
Đối với phần taluy đào, khi thi công khu vực mái taluy đào có chiều cao lớn thì tuỳ thuộc vào lớp địa chất bên dưới, nếu là đá thì sẽ làm mái taluy có độ dốc m=1:0,5, nếu là đất thì sẽ làm mái taluy có độ dốc là m=1:1. Tuy nhiên, đất cấp 4 (đá sét phong hóa) ở khu vực này chỉ là dự đoán nên taluy đào tại đây vẫn thiết kế theo độ dốc là 1:1.
1. Gia cố mái taluy bằng trồng cỏ:
- Đo đạc định vị chính xác vị trí mép taluy kiểm tra độ dốc mái taluy
- Sửa mái taluy bằng thủ công bảo đảm cho bề mặt bằng phẳng, đúng độ dốc thiết kế.
- Đánh vầng cỏ kích thước đồng đều đúng yêu cầu.
- Trồng cỏ đúng cách theo hình hoa mai, ghim giữ chặt bằng các ghim tre.
- Tưới nước chăm sóc để cỏ nhanh chóng phát triển phủ kín mái taluy.
2. Gia cố mái taluy bằng đá hộc xây vữa xi măng:
- Trước khi xây bạt bỏ phần đất dư, bảo đảm độ dốc và độ bằng phẳng, chỉnh sửa khuôn đất bề mặt mái dốc bằng thủ công.
- Xây đá và đá dăm đệm. Cường độ đá dùng để xây tối thiểu đạt 400Kg/cm2. Đá phải sạch không dính bùn.
- Kích thước bề mặt đá xây, lát tối thiểu 10x20cm. Bề dày thẳng góc mặt xây lát 15-25cm.
- Cát xây, xi măng, nước và tỷ phối vữa xây theo đúng yêu cầu thiết kế.
- Khi xây đá, trát vữa vào mặt nằm ngang và gõ nhẹ búa vào đá xây để mạch no vữa. Đệm đá dăm chèn chặt vào các mạch xây đá hộc, kích thước đá dăm đệm là 4x6cm, hòn lớn nhất kích thước không quá 8cm.
Vật liệu sử dụng phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn:
- TCVN 6260 :1997 – Tiêu chuẩn xi măng Poocland hỗn hợp.
- TCVN 1771:1987 - Đá dăm, sỏi dăm dùng trong xây dựng. Yêu cầu kỹ thuật
- TCVN 1770:1986 - Cát xây dựng. Yêu cầu kỹ thuật.
- TCVN 4314:1986 - Vữa xây dựng. Yêu cầu kỹ thuật
- TCVN 4506:1987 - Nước cho bê tông và vữa - Yêu cầu kỹ thuật
3. Xây kè taluy bằng đá hộc vữa xi măng.
- Dựa trên các cọc mốc toạ độ và cao độ mặt bằng, dùng máy kinh vĩ, thuỷ bình và thước để xác định chính xác vị trí, kích thước hố móng trên mặt tự nhiên.
- Đào đất tạo thành hố móng đến cao độ thiết kế, chỉnh sửa chính xác vi trí kích thước hình học bằng thủ công. Trong quá trình đào hố móng phải luôn chú ý đảm bảo việc tạo độ dốc để thoát nước mặt khi mưa.
- Đất thải khi đào các hố móng phải được vận chuyển đổ xa khỏi hố móng hoặc tận dụng để đắp theo chỉ dẫn của Chủ đầu tư.
- Hố móng đào đủ rộng để có thể thi công và đảm bảo đúng theo thiết kế. Vách hố móng đảm bảo ổn định bằng cách tạo mái dốc tuỳ theo điều kiện địa chất để tránh sạt lở trong quá trình thi công.
- Tiến hành đổ bê tông lót, xây đá hộc theo đúng yêu cầu thiết kế và các quy trình thi công bê tông hiện hành.
4. Đắp đất sau kè taluy:
- Đất đắp phải được thí nghiệm và được sự chấp thuận của TVGS.
- Chỉ tiến hành đắp đất sau kè taluy khi kè taluy đã bảo đảm cường độ cho phép và được sự chấp thuận của TVGS.
- Mọi quy trình đắp đất tiến hành theo đúng các yêu cầu đã nêu ở phần trên
VIII. Kiểm tra và nghiệm thu:
*. Công tác đất:
1. Kiểm tra chất lượng đắp phải tiến hành ở hai nơi:
- Mỏ vật liệu: Trước khi khai thác phải lấy mẫu để kiểm tra một số tính chất cơ lý và đối chiếu với yêu cầu thiết kế. Tần suất kiểm tra cứ mỗi khi thay đổi địa tầng hoặc thay đổi mỏ đất hoặc theo quy định cụ thể của dự án.
- Ở công trường: Cứ 100 – 200m3 đối với đất sét, đất pha cát, đất cát pha và cát không lẫn cuội, sỏi đá hoặc 200 – 400m3 đối với đất lẫn cuội sỏi hoặc đất cát lẫn cuội sỏi kiểm tra độ chặt và độ ẩm lu lèn tại ít nhất 03 điểm. Sai số cho phép độ chặt nhỏ hơn 1,5% độ chặt thiết kế nhưng tổng số điểm kiểm tra không đạt không vượt quá 5%, độ chặt do thiết kế quy định.
Khi đắp bằng cát, cát sỏi, đá hỗn hợp thì ngoài kiểm tra độ chặt còn kiểm tra thành phần hạt.
Các phiếu thí nghiệm phải có dấu LAS - XD của Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng mới được nghiệm thu, thanh quyết toán công trình.
2. Nghiệm thu công trình đất cần kiểm tra các yếu tố sau:
- Độ dốc ngang, độ dốc dọc của nền.
- Cao độ mặt nền;
- Chất lượng đắp đất, khối lượng thể tích khô;
- Kích thước hình học;
- Độ dốc mái ta luy âm và dương;
- Vị trí, cao độ, độ dốc, kích thước của đáy cống, rãnh thoát nước.
*. Gia cố mái taluy, xây kè taluy :
- Đảm bảo chính xác vị trí, kích thước.
- Mái dốc taluy đo bằng thước dài 3m không được có các điểm lõm quá 5 cm, cứ 50 m đo kiểm tra một mặt cắt ngang.
- Bảo đảm các nguyên tắc xây ở các mặt đứng, mặt ngang, các góc của khối xây.
- Kích th−ớc của khối xây đảm bảo đúng thiết kế.
- Có đầy đủ biên bản nghiệm thu các hạng mục. Chỉ được thi công hạng mục kế tiếp khi đã hoàn thành đầy đủ thủ tục nghiệm thu của hạng mục kế trước.
Khi nghiệm thu kiểm tra công trình đất đá xây xong, nhà thầu phải chuẩn bị đầy đủ những tài liệu phục vụ kiểm tra nghiệm thu cho hội đồng nghiệm thu cơ sở:
- Bản vẽ hoàn thành công trình có ghi những sai lệch thực tế. Bản vẽ xử lý những chỗ làm sai thiết kế;
- Nhật ký thi công công trình và nhật ký những công tác đặc biêt;
- Các biên bản nghiệm thu bộ phận công trình khuất;
- Bản vẽ vị trí các cọc mốc định vị cơ bản và biên bản nghiệm thu công trình;
- Biên bản kết quả thí nghiệm vật liệu sử dụng xây dựng công trình và kết quả thí nghiệm những mẫu kiểm tra trong quá trình thi công.
Trên đây là một số điểm chính trong công tác giám sát thi công nghiệm thu công trìnhsan lấp mặt bằng. Trong các trường hợp cụ thể, cần đọc kỹ các quy trình đã nêu trong hướng dẫn này và các quyết định ban hành, thay thế, loại bỏ các Tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành.